Lễ chào cờ Tuần 14 với nội dung sinh hoạt chính trị “Bác Hồ với Thiếu nhi”

      Trong kho tàng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hàng trăm bài nói, bài viết của Người dành cho thiếu niên, nhi đồng cũng như công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Khi đất nước còn chiến tranh, Bác Hồ xót xa khi phải chứng kiến cảnh cơ cực lầm than của trẻ em lúc vận nước gian nan. Người chỉ rõ kẻ thù:

Vì giặc Nhật giặc Tây bạo tàn
Khiến ta mất nước nhà tan
Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa

Từ nỗi đau, xót xa ấy, Bác đã vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu phải hành động:

Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
Người lớn cứu nước đã đành
Trẻ em cũng góp phần mình một tay

Tiếp đến, Bác kêu gọi các cháu hăng hái, tự nguyện tham gia Hội Nhi đồng cứu quốc, một tổ chức của Mặt trận Việt Minh:

Nhi đồng cứu quốc hội ta
Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh
Ấy là bộ phận Việt Minh
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong

Trong khi đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, chúng đã dùng chính sách “làm cho u mê để thống trị”, không mở trường học cho con em các thuộc địa, Bác đã gửi bài đăng trên báo L’Humanite’ ngày 5/2/1923, trong đó nêu rõ: “… Mỗi năm, cứ đến ngày khai trường, các bậc cha mẹ dù có đi gõ cửa khắp nơi, cầu xin mọi sự giúp đỡ, thậm chí xin nộp gấp đôi tiền ăn học mà họ vẫn không gửi được con cái đến trường và những đứa trẻ này, có đến hàng nghìn, bị đày vào cảnh ngu dốt chỉ vì không có đủ trường sở cho chúng đi học…”.
Sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho trẻ em còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa trong chiến lược con người “Vì lợi ích trăm năm”. Vì vậy, trước khi Đảng ta ra đời, Bác đã bồi dưỡng một nhóm thiếu nhi Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). Ngày 22/7/1926, Người viết một bức thư gửi cho Ủy ban Trung ương Thiếu nhi Liên Xô và một bức gửi đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế thanh niên Cộng sản để gửi các em đến Mátxcơva học tập.
Sinh thời, Bác Hồ đã dành tình cảm sâu đậm cho các cháu thiếu niên và nhi đồng – chủ nhân tương lai của đất nước và xem việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Mở đầu bài thơ “Trẻ con” của Bác viết năm 1941 thật cảm động:

Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng

Trẻ em như búp trên cành là quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là quan niệm của dân tộc ta về thiếu nhi, về việc chăm sóc cho thiếu nhi. Búp trên cành mơn mởn, xanh tơ, dễ bị chà đạp, ngược đãi. Nhưng búp trên cành cũng là phần tươi non, đẹp đẽ, là cành lá xum xuê trong tương lai. Chăm sóc thiếu nhi, chăm sóc, bảo vệ “búp trên cành” là chăm lo cho hạnh phúc của chính chúng ta hôm nay, của tương lai chúng ta mai sau.
Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ, Bác Hồ dù bộn bề công việc nhưng vẫn không quên “những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập.
Trong báo “Cứu quốc” số 49 ngày 22/9/1945, Bác gửi gắm muôn vàn tình yêu thương đối với thiếu nhi trong bài viết: “Trẻ em Việt Nam sung sướng. Việt Nam độc lập muôn năm”. Tiếp theo đó, ngày 1/10/1945, tờ báo “Thiếu sinh” – tờ báo đầu tiên viết về chủ đề trẻ em ra số đầu tiên theo sự chỉ đạo của Bác, Bác nhắn nhủ: “Báo trẻ em đã ra đời. Báo này là của trẻ em, vậy các em nên giúp báo phát triển, các em gửi tin tức, tranh vẽ và bài viết cho báo. Người lớn thì nên đọc cho trẻ em chưa biết chữ nghe. Tất cả mọi người nên làm cho tờ báo ngày càng phát triển hơn”.
Luôn canh cánh bên lòng tình thương yêu vô cùng to lớn đối với thế hệ trẻ, Bác ân cần dặn dò từng li từng tí: Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng. Đối với bạn bầu phải yêu mến. Với việc động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân độc lập, tự do, Bác viết: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”.
Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”. Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong Bác, trẻ em luôn là lớp “công dân đặc biệt” được Hồ Chí Minh dành sự quan tâm sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người.
Xúc động biết bao khi đọc bài viết của Bác trước lúc từ biệt thế giới này để gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác viết:“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…
Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tình yêu thương vô hạn của Bác để lại cho nhi đồng Việt Nam của những ngày đã qua, bây giờ và mãi về sau là niềm tự hào mãnh liệt, lòng thành kính cao vời và niềm kiêu hãnh biết bao khi được hát về Người:

Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh
Hơn chúng em nhi đồng
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh
Hơn thiếu nhi Việt Nam…